Giảng giải kinh đoạn Giảm – Hôn Trầm và Thuỵ Miên (thinamiddha)

Kinh sách Pāḷi mô tả hôn trầm (thīna) như trạng thái lờ đờ của tâm và thuỵ miên (middha) là trạng thái lờ đờ của các tâm sở. Nhưng vì lẽ các tâm sở (cetasika) luôn luôn kết hợp với tâm (citta) nên tình trạng lờ đờ của tâm cũng có nghĩa là tình trạng lờ đờ của các tâm sở.

Hôn trầm có thể hiểu là tình trạng suy thoái về năng lực và lười biếng. Đối với một hành giả đang hành thiền, một cái tâm uể oải, cùn nhụt và kém năng lực như vậy sẽ cản trở việc phát triển định tâm của họ. Hôn trầm thuỵ miên được mô tả như một triền cái (nīvaraṇa).

Giải thoát khỏi triền cái và thanh tịnh tâm

Người hành thiền trước hết phải giải thoát mình khỏi các triền cái và tự làm cho mình thanh tịnh. Vị ấy vượt qua các triền cái bằng định của bậc thiền hoặc bằng cận hành định.

Phương pháp hơi thở vô và hơi thở ra

Kinh Đại Niệm Xứ gồm hai phần, trước tiên đề cập đến thiền chỉ hay định và phần thứ hai đề cập đến minh sát. Thực hành hơi thở vô-ra và quán tính chất bất tịnh như đã được mô tả ở phần đầu đưa đến sự chứng đắc các bậc thiền định. Phần niệm hơi thở ra – vô nói:

“Chánh niệm vị ấy thở vô (assasati); chánh niệm vị ấy thở ra (passasati).”

Assāsa được dịch như hơi thở ra và passāsa như hơi thở vô trong các bản luận giải và từ vựng cổ. Nhưng trong Vô Ngại Giải Đạo (Patisambhidāmagga), một tác phẩm Pāḷi trình bày lộ trình tu tập trong đời phạm hạnh thì assāsa và passāsa được mô tả lần lượt như hơi thở vô và hơi thở ra. Sự giải thích này có vẻ hợp lý hơn trong thực hành. Vì nếu chúng ta gắn chặt tâm trên lỗ mũi khi hành niệm hơi thở, hơi thở vô sẽ rõ ràng trước. Nó cũng thích hợp với từ Pāḷi “ānāpāna”. Ānā có nghĩa là hơi thở vô, pānā có nghĩa là hơi thở ra. Vì thế Tôi đã dịch passasati là hơi thở ra.

Khi thở vô và thở ra người hành thiền phải thở một cách chánh niệm. Theo chú giải, nếu sự xúc chạm với hơi thở vô và ra thể hiện rõ ràng ở lỗ mũi hay môi trên, người hành thiền phải quan sát điểm xúc chạm. Vị ấy phải phớt lờ hơi gió được thở vào trong thân hay hơi gió thở ra. Vị ấy phải quan sát “vô, vô” và “ra, ra” Chú giải đề nghị người sơ cơ nên thực hành bằng cách đếm, “một, hai, ba,” …. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là sự phát triển định qua thực hành. Vì thế cũng sẽ là tốt nếu hành giả luôn luôn quan sát được hơi thở “vô, vô” “ra, ra” một cách chánh niệm khi thở vô và thở ra mà không cần đếm. Nhờ thực hành như vậy người hành thiền sẽ thoát khỏi tham dục cũng như những triền cái khác, và đạt đến cận định và bốn an chỉ định. Đây là cách tu tập thanh tịnh tâm theo phần niệm hơi thở vô ra (ānāpāna) trong Kinh Đại Niệm Xứ.

Quán trên bất tịnh

Về quán bất tịnh, người hành thiền phải quán trên ba mươi hai thành phần của thân (32 thể trược) như tóc, lông, móng, răng, da, tim, gan, phổi, ruột, nước tiểu, nước miếng, v.v… Sự quán niệm này sẽ giúp vị ấy thoát khỏi các triền cái và bảo đảm sự đắc cận định và sơ thiền. Đây là cách để thành tựu sự thanh tịnh tâm nhờ quán bất tịnh.