Giới Thiệu Chứng Đạo Ca

Có người nói: “Những tác phẩm lớn, lớn dần theo nhịp thời gian.” Đó là trường hợp của khúc trường ca CHỨNG ĐẠO của nhà thơ áo nâu Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713). Khúc ca ra đời cách đây trên 12 thế kỷ mà tưởng như mới hôm nào, chữ chưa ráo mực. Quyền lực của thơ là vậy, từ trong thời gian bước qua ngưỡng cửa âm thanh mà đi vào vĩnh cửu.

Thật vậy, thơ xuất hiện trong trường hợp lạ lùng nào đó, khi tinh thần căng thẳng với một cảm xúc vút cao, con người bỗng dưng như bị chụp phải bởi một cái gì mạnh hơn mình, ôm choàng lấy mình, và ưu ái vứt mình giữa cảnh:

“Xuân đến trăm hoa nở”

Xuân là trường xuân, có từ vô thỉ. Nên hoa cũng có đến vô chung. Và nay hoa vẫn còn đó, như niêm trong bí mật ngàn đời:

“Hoa lưu động khẩu ưng trường tại.”

Hoa vẫn “tại” – tự tại – ở cửa động Thiên Thai, từ lúc Lưu Nguyễn ra đi, rồi trở lại, rồi mãi mãi. Mà hoa vẫn “lưu” – luân lưu – trong dòng trôi chảy của nhân sinh. Tự bao giờ đến bây giờ, hoa vẫn tạilưu, lưutại. Hoa vẫn động mà bất động. Đó là một siêu thực. Cũng như Giê Xu vẫn động mà bất động, vẫn siêu thực.

“Trước khi có Ápraham đã có Ta.”

Cũng như Thích Ca vẫn động mà bất động, vẫn siêu thực.

“Ta thành Phật từ vô lượng vô số vô biên kiếp nào trước khi có thế gian này.”

Cái siêu thực ấy, nhà thơ Trần Quốc Tảng cực tả như sau qua mối lái của hoa và trăng:

“Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,”

“Tân niên hoa phát cựu niên hoa.”

Đó là cái không thể nghĩ. Ta đừng nên hỏi thêm. Hỏi, ắt nhà thơ không biết trả lời cách nào khác hơn là đọc… thần chú:

Hoặc vấn như hà vi cứu cánh

  • Ma ha bát nhã tát bà ha

Trăng đêm trước là mộng

Trăng đêm nay là thực.

Trăng đêm trước tức là trăng đêm nay.

Thực nở trong mộng.

Mộng nở trong thực.

Thực và mộng dung thông nhau trong siêu thực.

Vậy đâu là thực? Và đâu là mộng?

Mộng tức là thực.

Không biết.

“Vắt tay nằm nghĩ chuyện lần khân,”

“Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt.”