Tái hiện cuộc đời Đức Phật Thích Ca qua 37 bức tranh tại chính điện chùa Ba Vàng (phần 1)

(Cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ lúc Ngài đản sinh đến khi xuất gia cầu đạo giải thoát)

“Sáu năm tìm đạo chốn rừng già
Khổ hạnh ai bằng Đức Thích Ca
Chim hót trên vai, sương phủ áo
Hươu kề dưới gối, tuyết đơm hoa
Thử hỏi ai tìm chân lý ấy
Bên bờ sông giác Đức Thích Ca.”

Ngài Thích Ca Mâu Ni là một vị nhà Phật từ lúc mới sinh ra cho tới khi xuất gia tầm đạo. Quãng thời gian từ khi Ngài rời bỏ cung vàng điện ngọc để đi tìm chân lý cho chính mình và chúng sinh đã gắn bó với năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già và 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ Đề. Cuối cùng, Ngài đã giác ngộ trở thành vị Phật Toàn Giác trên thế gian.

Đức Phật là một con người có nhân cách siêu phàm, không ai có thể sánh bằng trong lịch sử nhân loại. Con đường mà Đức Phật đã đi là “chiếc chìa khóa” để đưa chúng ta hiểu về tâm – con đường đi đến chân hạnh phúc. Cùng với chương trình “Không ra ngoài, hãy ở nhà chống dịch. Quay về khám phá vườn tâm”, Ban quản trị muốn gửi đến các bạn bài viết tái hiện lại những sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật từ lúc đản sinh đến khi xuất gia qua 14 bức tranh tại chính điện chùa Ba Vàng. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đời của Người Thầy dẫn đường vĩ đại.

Phần 1: Cuộc đời Đức Phật từ lúc sinh ra đến lúc đi ra bốn cổng thành

Đức Phật Thích Ca, tên thật là Tất Đạt Đa Cồ Đàm, sinh vào năm 624 trước Công nguyên, tại thành Ca Tỳ La Vệ, phía bắc Ấn Độ ngày nay. Cha của Ngài là Đức vua Tịnh Phạn, mẹ là Hoàng hậu Ma Da.

#1 Vua Tịnh Phạn lấy hai chị em gái làm vợ, là Hoàng hậu Ma Da và em gái là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề. Tuy nhiên, mặc dù tuổi đã cao, đến giờ này Đức vua và Hoàng hậu Ma Da vẫn chưa có con nối dõi. Vì vậy, họ rất mong mỏi có một người thừa kế để tiếp tục ngôi vị triều đại. Chính vì lẽ đó, họ đã làm rất nhiều việc thiện và thay đổi số phận của người nghèo. Các quan đại thần trong triều cũng nóng lòng đến thỉnh Đức vua và Hoàng hậu để cầu bầu cho một hoàng tử.