VẤN: Con chưa Quy y Tam Bảo nhưng nhờ duyên số nên con cũng có được một số quyển kinh, như: kinh Kim Cang Thọ Mạng, kinh Bát Dương, kinh Pháp Hoa, Nghi thức cầu an – cầu siêu, Nghi thức Thập Chú, Chú Lăng Nghiêm… Xin sư dạy rõ cho con biết đọc các bài kinh này vào giờ nào, ngày nào thì tốt nhất?
ĐÁP:
Trước nhất, để đạt được những lợi ích cao quý từ kinh pháp, con nên tìm thầy quy y Tam Bảo, người tu giới luật là trên hết, vì “giới luật còn là Phật còn”. Trước khi nhập diệt, Phật dạy các Tỳ kheo phải lấy “giới luật làm thầy” như kim chỉ nam mà tu hành. Vì vậy, quý vị nên phát tâm thọ tam quy ngũ giới, khi có giới thì Đức Phật có trong nhà quý vị. Đồng thời, quý vị cần xác định vị trí của các kinh, biết rõ kinh nào Phật tử đọc, kinh nào Phật tử chưa đọc, và kinh nào không nên đọc, cũng như thời điểm nào nên đọc những kinh đó.
Không nên tụng đọc các kinh này
-
Kinh Kim Cang Thọ Mạng: Kinh này nói về thần chú “Kim Cang Thọ Mạng”. Trong khi thuyết giảng, chỉ có bốn vị Thiên vương Tỳ Sa môn được phép nghe. Kinh này được dịch từ xứ Nam Thiên Trúc, do Ngài Kim Cang Trí và Sa Môn Trí vâng chiếu nhà Vua. Tuy thấy có đức Thế Tôn thuyết giảng trong kinh, nhưng chỉ giảng cho các vị chư Thiên Tỳ Sa Môn. Vì chưa rõ kinh này là của Phật nói hay của các vị tu Mật tông giảng nói, nên Phật tử nên chỉ nghiên cứu cho hiểu biết, chứ không nên tụng đọc.
-
Kinh Bát Dương: Kinh này không phải do Phật thuyết giảng, mà do các nhà Sư Trung Hoa biên soạn, sau đó tôn vinh Đức Phật. Tuy nhiên, nội dung trong kinh không phản ánh chân chính của Phật pháp. Nói về lời phú chúc rất xa lạ với Chánh pháp, như “Thân này có ra cũng tự nhiên; năm vóc kia tự nhiên có đủ; trưởng đại đó tự nhiên trưởng đại; lão thành kia tự nhiên lão thành; sanh ra đó tự nhiên sanh ra; ngày chết kia tự nhiên phải chết”. Kinh này có tư tưởng bài trừ mê tín dị đoan, nhưng không phải là tư tưởng chân chính của Phật giáo. Vì vậy, Phật tử chỉ nên nghiên cứu để hiểu biết, không nên thọ trì kinh này.
Nên tụng đọc các kinh này
-
Kinh Pháp Hoa và các nghi thức tụng cầu an, cầu siêu: Kinh Pháp Hoa, kinh Phổ Môn, kinh Phổ Hiền, kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, thần Chú Đại Bi, Thập Chú… Đây là những kinh thích hợp cho Phật tử tại gia tụng niệm. Khi phát tâm tụng niệm, cần có thời gian rỗi rãi, thiết lập thời dụng biểu làm việc trong gia đình. Ví dụ: vào lúc 8 giờ sáng dành cho người hưu trí, người già tụng niệm; vào 20 giờ, 22 giờ đêm hoặc lúc 4 giờ sáng dành cho giới trẻ. Còn trong ngày đi làm việc, đối với giới trẻ, buổi tối sau khi về nhà là thời gian thuận lợi để tụng niệm.
-
Kinh và thần chú Lăng Nghiêm: Phật tử có thể nghiên cứu sâu kinh Lăng Nghiêm, đọc để hiểu biết và áp dụng những pháp mà Phật dạy. Đặc biệt, chú trọng vào phẩm “Phật vấn viên thông”, trong đó Đại Thế Chí Bồ Tát trình cách niệm Phật của mình trước Phật và đại chúng. Đại Thế Chí nói: “Mười phương Như Lai, thương nhớ chúng sanh, như mẹ nhớ con. Nếu tâm của chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, thì hiện tiền hay tương lai, nhất định sẽ thấy được Phật, cách Phật không xa, tự tâm được khai ngộ”. Phật tử có thể nương theo cách tu của Đại Thế Chí và hành trì kinh này.
Thần chú Thủ Lăng Nghiêm dành cho người xuất gia tụng niệm vào khóa lễ 4 giờ sáng, tại các tự viện, thiền môn gọi là công phu khuya. Tuy nhiên, với những Phật tử bận rộn công việc gia đình, vợ chồng con cái và xã hội, việc tụng niệm có thể gặp nhiều khó khăn, do đó, không cần ép buộc mình.
Nguồn:
Phật Pháp Vấn Đáp (Tập 1) – Hòa Thượng Thượng Giác Hạ Quang