Tại sao mô tả công việc khác với thực tế?

Các mô tả công việc mà bạn ứng tuyển trên lý thuyết – thông qua tin đăng tuyển dụng hay các ấn phẩm báo chí, giới thiệu và trên thực tế – và khi bạn bắt tay vào làm việc không hoàn toàn giống nhau. Đôi khi nó còn “khác xa so với sự tưởng tượng”.

Có đôi khi các bạn thấy rơi vào những tình huống đâu đó ở xung quanh mình thông qua ngay chính công việc của các bạn, hay những chia sẻ về công việc của người thân, bạn bè? Thực tế là giữa mô tả công việc và thực tế làm việc sẽ có sự khác nhau, và sự khác nhau nhiều hay ít này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Mô tả công việc chưa cập nhật

Đã bao lâu từ lần gần nhất các nhà tuyển dụng cập nhật lại mô tả công việc của doanh nghiệp?

Một số doanh nghiệp viết ra Mô tả công việc cho thời kỳ đầu và sau đó là quên hẳn đi việc cập nhật chúng định kỳ. Điều này dẫn đến việc các vị trí ở từng bộ phận có sự thay đổi do nhau cầu khách quan vận hành, nhưng chỉ nội bộ công việc bộ phận đó nắm được.

Với các doanh nghiệp có quy mô lớn với số lượng vị trí chức danh “khủng”, việc thiếu sót trong khâu cập nhật mô tả công việc có khả năng dẫn đến việc những gì bạn được phỏng vấn hay vào làm hoàn toàn khác với những gì được mô tả trên các bản tin tuyển dụng.

Với chức năng lưu trữ và cập nhật thường xuyên những thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức và mô tả công việc các chức danh, phòng nhân sự của doanh nghiệp nếu không lưu tâm đến vấn đề này sẽ khiến các Mô tả công việc trở lên lỗi thời, không còn giá trị trong việc căn cứ để thiết lập nên các thông tin và tiêu chí tuyển dụng.

Việc bạn hiểu sai vị trí làm việc ngay từ ban đầu hoàn toàn không phải là do bạn, mà do từ chính công ty.

Sự am hiểu của người làm nhân sự

Những người làm nhân sự hiểu được tỉ mỉ về công việc đang tuyển dụng đến đâu? Đó cũng sẽ là một nhân tố quyết định mô tả công việc và thực tế khác nhau xa đến thế nào.

Một số doanh nghiệp thậm chí còn chưa viết nên mô tả công việc mà có thể căn cứ từ tài liệu của tổng công ty hay công ty tương tự trong ngành. Việc thiếu hiểu biết về tổ chức và đặc biệt là sao chép, cóp nhặt các ý tưởng từ những đơn vị có bối cảnh, điều kiện khác nhau khiến mô tả công việc đó không phản ánh chân thực được những gì bạn cần phải làm nếu trúng tuyển vào vị trí.

Mức độ am hiểu và phân tích được mô tả công việc của vị trí tuyển dụng đối với các cán bộ làm công tác nhân sự là rất quan trọng. Hiểu sai hoặc không sát với những gì vị trí đó thực sự làm việc, các thông tin truyền thông ra bên ngoài về vị trí tuyển dụng có thể chệch hướng khỏi các ứng viên tiềm năng.

Mô tả công việc có bao hàm toàn bộ các nhiệm vụ trong một vị trí chức danh? Câu trả lời sẽ luôn là không.

Và quan trọng là những gì được làm thường xuyên, quan trọng nhất có được thể hiện đầy đủ trong Mô tả công việc hay không. Bạn sẽ không thể yêu cầu một Mô tả công việc liệt kê tất cả mọi thứ bạn cần phải làm từng ngày, từng giờ.

Do đó sẽ có những việc đột xuất, phát sinh, các công tác không thường xuyên hay các nhiệm vụ phụ mà bạn cần vui vẻ đảm nhận. Miễn rằng nó không mang tính cá nhân mà phục vụ cho mục tiêu chung của công ty.

Tuy nhiên hãy cẩn thận với một số chức danh quá nhiều nhiệm vụ phụ mà các chức năng chính không được thể hiện rõ ràng. Theo quan điểm cá nhân thì các tin tuyển dụng có nội dung công việc là “trao đổi lúc phỏng vấn” thường sẽ có khá nhiều nhiều vụ kiểu này.

Doanh nghiệp có thường xuyên thay đổi

Công ty và công việc bạn ứng tuyển có thường xuyên thay đổi hay liên tục cải tiến?

Thời đại công nghệ thông tin khiến môi trường kinh doanh ngày càng năng động hơn và chú trọng hơn đến sự cải tiến liên tục nhằm đạt được các thành công dài hạn. Và những cải tiến đó đôi khi mang lại những sự thay đổi nhất định trong định hướng của doanh nghiệp lẫn trong công việc.

Các cuộc họp hàng quý, hàng năm với những báo cáo tài chính về kết quả hoạt động kinh doanh có thể là khởi nguồn cho những sự thay đổi của tổ chức để đáp ứng với các thay đổi, các điều kiện mới từ bên ngoài. Thậm chí những người đang làm trong doanh nghiệp nhưng năm sau có thể nội dung công việc không còn giống như lúc mới nhận việc nữa.

Tuy nhiên những công việc hay kiến thức mới đa số bắt nguồn từ những nền tảng kiến thức trước đó. Vậy nên chỉ cần bạn nắm chắc nền tảng công việc và có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn, không có gì phải lo lắng về những thay đổi hay khoảng cách giữa mô tả công việc và công việc thực tế bạn sẽ làm.