Vị trí việc làm khi nào xuất hiện? Đặc điểm

Hiểu về thời điểm mà một vị trí việc làm bắt đầu xuất hiện trong doanh nghiệp rất quan trọng. Một trong các yếu tố ảnh hưởng lớn đến công việc của bạn khi bạn ứng tuyển vào một doanh nghiệp, đó là liệu vị trí việc làm đã có từ lâu hay vừa mới phát sinh thêm gần đây.

Yếu tố này không chỉ xác định rõ những gì bạn cần phải làm, sẽ làm, tính chất công việc của bạn. Nó còn có thể sử dụng để nhận định rằng, bạn có thực sự phù hợp với công việc đó hay không.

Trong các hình thức tuyển dụng chủ đạo của doanh nghiệp sẽ bao gồm hai loại chính: tuyển dụng thay thế và tuyển dụng tăng cường.

Để dễ hình dung hơn, khi công ty bạn có một người đang làm công việc nhưng xin nghỉ vì một lí do nào đó, bạn được tuyển dụng để làm việc ở vị trí người chuẩn bị nghỉ đó. Đó chính là tuyển dụng thay thế.

Mục đích là điền vào các vị trí trống và thường những nhu cầu tuyển dụng thay thế sẽ rất khó để lên kế hoạch. Hiếm khi có ai dám mạnh dạn chia sẻ nguyện vọng mình sẽ nghỉ việc tại công ty vào một ngày không xa nếu họ chưa chắc chắn đã có một cơ hội khác tốt hơn.

Tuyển dụng tăng cường lại mang một bản chất khác. Đó là khi một phòng ban vừa phát sinh thêm một vị trí mới, và công ty cần bổ sung thêm nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu mới, các chức năng mới. Vì tuyển dụng tăng cường có thể được hoạch định trước theo các kế hoạch nhân sự hàng năm nên đa số doanh nghiệp nắm phần chủ động về hình thức tìm kiếm nhân sự này.

Khi tuyển dụng thay thế, áp lực đặt lên trên doanh nghiệp và nhà tuyển dụng là khá lớn. Áp lực này lại càng lớn hơn khi vị trí việc làm cần tìm người có yêu cầu về chuyên môn và trình độ rất cao, nhiều kinh nghiệm (các vị trí mà đang rất thiếu nguồn cung trên thị trường lao động)… Áp lực về việc có người thực hiện nhiệm vụ càng cao, tuyển dụng càng trở nên gấp gáp.

Và trong một thời gian ngắn nếu tất cả các biện pháp tuyển dụng như sử dụng nguồn nội bộ, dùng dịch vụ headhunter,.. đều không thể đáp ứng được về mặt chất lượng, việc hạ tiêu chuẩn tuyển dụng sẽ là một giải pháp khả thi. Do đó các vị trí việc làm nếu là tuyển thay thế, tuyển gấp, sẽ yêu cầu thấp hơn so với thông thường một chút.

Ngược lại, các vị trí việc làm tuyển tăng cường, cần những kiến thức mới, năng lực mới và một thời gian khá dài để chuẩn bị. Do đó nhìn chung các tiêu chuẩn đề ra cao tương đối cao so với mặt bằng và thực sự cần nhân sự chủ động, tích cực, giàu năng lượng và không ngại rủi ro để đảm trách.

Về khía cạnh nội dung công việc, khi bạn vào làm việc để thay thế một ai đó ra đi, nghiễm nhiên bạn sẽ nhận được các bàn giao và quy trình, biểu mẫu trước đó từ họ. Việc cố gắng thích nghi nhanh và làm theo quy trình trước đây đã có sẵn là một yếu tố tiên quyết, trước khi bạn trở nên thành thạo với công việc để có thể đề xuất các cải tiến và giải pháp hoàn thiện khác.

Do đó bạn sẽ nhận được kiến thức, nền móng đã xây dựng từ trước của người tiền nhiệm, và lựa chọn tiếp tục xây dựng hay dỡ bỏ làm lại là do bạn và tổ chức cân nhắc.

Khác hẳn với những vị trí việc làm tăng cường. Bạn sẽ phải xây dựng từ móng, hoạch định cho mọi việc bạn làm và xây dựng nên các tiêu chuẩn công việc, các tiêu chí, cách thức thực hiện. Sẽ không có sự thừa hưởng, kế thừa, và nếu bạn có một bề dày kinh nghiệm và yêu thích làm lại từ đầu, hãy tận dụng cơ hội đó.

Để có thể tìm hiểu được vị trí nào là tuyển tăng cường, vị trí nào là tuyển thay thế, hãy thử tìm kiếm lịch sử tuyển dụng của doanh nghiệp, các bản tin doanh nghiệp từng đăng.

Nếu một vị trí chưa từng có lần nào đăng tuyển dụng, khả năng rất cao đó chính là tuyển dụng tăng cường. Ngược lại tuyển gấp, các vị trí việc làm đã có nhiều hơn một lần đăng tuyển,… thì nhiều khả năng doanh nghiệp đang tìm kiếm một nhân sự mang giải pháp thay thế.