Quá trình toàn cầu hóa diễn ra cùng với sự đầu tư từ các quốc gia bên ngoài lãnh thổ khiến kỹ năng ngoại ngữ trong CV (đặc biệt là tiếng Anh) trở thành một mục bắt buộc.
Cơ hội từ các doanh nghiệp nước ngoài
Các công ty đa quốc gia xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương đi kèm với chính sách mở cửa khuyến khích đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài. Quá trình đó mở ra cơ hội rất lớn cho các cá nhân có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt. Các chương trình giáo dục đào tạo ngày càng chú trọng hơn đến việc nâng cao ngoại ngữ cho học sinh sinh viên.
Bên cạnh đó, các trung tâm ngoại ngữ, các kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, HSK, Topik,… được mở rộng với tần suất thi ngày càng cao. Điều đó cho thấy ngoại ngữ đang ngày càng trở thành một yếu tố bắt buộc trong việc tìm kiếm việc làm. Thậm chí các trường đại học, cao đẳng đã và đang quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ bắt buộc sinh viên phải hoàn thành trước khi được cấp bằng tốt nghiệp.
Xu hướng này khiến nhiều bạn trẻ bên cạnh chuyên ngành mình đang học còn theo đuổi ít nhất một ngoại ngữ khác. Tuy nhiên giữa việc học và sử dụng nó vào công việc sẽ vẫn có những khoảng cách nhất định.
Mức độ thành thạo ngoại ngữ
Vậy kỹ năng ngoại ngữ trong CV cần đến mức độ nào, và thực tế đi làm ra sao?
Chính vì thực tế việc tiếp xúc với khách hàng, công việc sử dụng các phần mềm nước ngoài, hoặc đơn giản hơn là việc giao tiếp trong công sở có người nước ngoài, mà ngoại ngữ trở thành một điểm cộng cho các bạn có thể sử dụng thành thạo.
Viết CV ngoại ngữ
Không dịch từ tiếng Việt
Thông thường bên cạnh CV tiếng Việt, các bạn sẽ chuẩn bị cho mình một CV tiếng Anh (ngoại ngữ phổ biến ở Việt Nam) hoặc Tiếng Trung/ Tiếng Nhật/ Tiếng Hàn (nếu các bạn biết). Các bạn cần lưu ý khi viết một CV bằng tiếng nước ngoài là hãy sử dụng ngôn ngữ của nước đó để viết CV, không phải dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.
Khá nhiều trường hợp dù các quốc gia có cách biểu đạt ngôn ngữ khác nhau, nhưng khi chuẩn bị CV nhiều bạn vẫn đang sử dụng mô típ dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài. Điều đó làm cho thông tin trong văn bản rất gượng gạo và kém tự nhiên.
Để chuẩn bị một CV sử dụng ngoại ngữ tốt yêu cầu các bạn cần có một vốn từ và ngữ pháp tốt. Tuy nhiên vẫn có một số mẹo để các bạn chuẩn bị được một CV ngoại ngữ ổn.
Hãy tham khảo các CV nước ngoài, mà cụ thể là CV tại quốc gia mà bạn sử dụng ngôn ngữ để viết.
Bố cục của CV
Từng làm việc tại hai công ty nước ngoài và tiếp xúc người Châu Âu lẫn Trung Quốc, tôi nhận thấy ngôn ngữ biểu đạt của họ là không giống nhau, và bố cục trình bày CV cũng như vậy.
Các CV từ Châu Âu mang tính thoải mái rộng rãi với cách biểu đạt tự do, không quá gò bó khuôn mẫu. Nhưng hãy nhìn vào các CV đến từ Trung Quốc. Kẻ bảng điền thông tin là một sở thích của các hồ sơ ứng viên Trung Quốc và khá nhiều các CV có chung một định dạng bảng biểu.
Văn hóa ít nhiều ảnh hưởng đến sự khác nhau trong cách thức biểu đạt. Hãy tham khảo thông tin từ chính quốc gia bạn sử dụng ngôn ngữ viết CV.
Sử dụng ngôn ngữ học thuật
Ngoài ra cũng như tiếng Việt, các ngoại ngữ cũng có cách sử dụng mang tính phổ thông hàng ngày, và các ngôn từ mang tính khoa học – học thuật.
Tuy nhiên việc am hiểu và phân loại được các ngôn ngữ này rất khó. Các bạn có thể sử dụng Internet để tìm kiếm các mô tả công việc cho các vị trí tương tự với kinh nghiệm làm việc của bạn để nghiên cứu và học dần các từ vựng.
Ngoài ra việc tham khảo các thông tin từ các bài viết học thuật về chủ đề liên quan đến công việc của bạn, các trang báo uy tín chính thống,… đều có thể vừa giúp bạn mở mang được kiến thức liên quan chuyên môn vừa tích lũy được kha khá vốn từ phù hợp.
Tuy nhiên thực sự diễn đạt tốt một CV bằng ngoại ngữ chỉ mang lại cho bạn lợi thế về khâu sàng lọc hồ sơ trong tuyển dụng.
Sử dụng ngoại ngữ tại nơi làm việc
Điều quan trọng vẫn là việc vận dụng ngôn ngữ của bạn vào trong công việc.
Tần suất sử dụng
Việc nhận định một vị trí có sử dụng ngoại ngữ thường xuyên hay không vẫn đang là một vấn đề rất khó. Bên cạnh các vị trí bắt buộc sử dụng ngoại ngữ như biên, phiên dịch, dù làm ở các công ty đa quốc gia nhưng sẽ vẫn có các tình huống ngoại ngữ bạn ít được sử dụng.
Một trong các yếu tố đó có thể là Công ty có một đội ngũ phiên dịch rất đông đảo ở tất cả các bộ phận, và các bạn này sẽ nhận nhiệm vụ truyền đạt thông tin, ý kiến từ các cấp đến bạn để thực hiện công việc. Ngoài ra còn có thể một lí do khác như công ty thành lập đã lâu và đội ngũ các chuyên gia nước ngoài đã về nước, quản lý hiện tại là người bản xứ.
Ngoại trừ việc tiếp xúc hàng ngày với nhau và thỉnh thoảng sử dụng email hoặc các công cụ truyền thông giữa tập đoàn, bạn sẽ chẳng bao giờ cần sử dụng nhiều ngoại ngữ. Do đó có thể kỹ năng ngoại ngữ của bạn chưa thực sự rất tốt nhưng cơ hội việc làm tại các đơn vị này vẫn rộng mở. Bạn luôn có cơ hội học hỏi trau dồi thêm ngoại ngữ của mình ở các môi trường này.
Điều này ngược lại phần nhiều với các doanh nghiệp mới đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt đối với một số các ngành tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới mà thị trường hiện tại chưa có nhiều. Số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này là chưa nhiều, và do đó đa số các vị trí quan trọng, kỹ sư, .. sẽ được đào tạo dần chuyên môn kỹ thuật.
Việc này khiến cho ngoại ngữ trở thành một nhân tố rất quan trọng trong quá trình học tập và phát triển sự nghiệp của bạn tại các doanh nghiệp này. Thông qua các kiến thức kỹ thuật cơ bản nền tảng đã có và một vốn ngoại ngữ tốt, các bạn sẽ có một lợi thế cạnh tranh cực lớn trong việc phát triển cùng công ty và các cơ hội thăng tiến sau này.
Do đó, như ví dụ trên, ngoại ngữ lúc này chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng. Và khả năng thực hành ngoại ngữ của bạn sẽ đòi hỏi cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác.
Yêu cầu trình độ thực tế
Tuy nhiên đi sâu hơn một chút về ngoại ngữ, các bạn hãy dành cho mình một sự tự tin đáng kể về trình độ của bản thân.
Rất nhiều bạn thực sự dù học ngoại ngữ chính quy nhưng vẫn bị khớp trong các cuộc phỏng vấn trao đổi với nhà tuyển dụng và người ngoại quốc. Tâm lý bị đè nén bởi những gánh nặng về sử dụng câu từ, về những ngữ pháp hay cần phải vận dụng khi được học đã khiến bạn trở nên mất đi một phần quan điểm vì “sợ sai, sợ người khác nghe không hiểu, sợ mình nói người khác không hiểu”.
Dù bạn có giỏi ngoại ngữ đến đâu nhưng nếu không phải là người bản xứ, bạn hoàn toàn có thể mắc lỗi.
Ngoài ra trong quá trình làm việc cũng sẽ phát sinh một số từ, cụm từ nặng về tính chuyên môn mà chỉ khi bạn làm, giao tiếp, được giải thích mới có thể hiểu cặn kẽ rõ ràng được. Điều này thể hiện rõ nhất trong các vị trí công việc nặng về chuyên môn.
Do đó quan trọng bạn hãy tự tin, vì nhà tuyển dụng đa phần sẽ không kiểm tra quá sâu vào năng lực diễn đạt chuyên môn của bạn trừ phi bạn ứng tuyển vào các vị trí quản lý hay phiên dịch. Điều họ mong muốn sẽ là khả năng diễn đạt của bạn với các vấn đề hàng ngày chốn công sở, khả năng dùng ngoại ngữ của bạn để giải thích một vấn đề.
Đừng quá lo lắng nếu bạn không dùng ngữ pháp chuẩn hay câu từ chưa thực sự chính xác.
Ngoài ra nếu công việc bạn thực sự cần ngoại ngữ, thì bên cạnh đi học tại Trung tâm hoặc sử dụng các ứng dụng (có thể tham khảo TẠI ĐÂY), bạn cần rèn luyện cho mình sự kiên trì và duy trì đều đặn. Ngoại ngữ cần thời gian để tích lũy, trau dồi, và liên tục thực hành. Do đó hãy học sớm nhất khi có thể, kiên trì và đừng trì hoãn.