Bao lâu bạn nên thay đổi công việc

Thời gian làm việc bao lâu thì bạn nên thay đổi công việc? Các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá như thế nào về các hồ sơ việc làm của các bạn.

Căn cứ hợp đồng lao động

Thông thường, các thời gian làm việc trong CV sẽ được nhận định bởi chính loại hợp đồng lao động mà bạn đã nắm giữ cho vị trí công việc.

Với những thay đổi của luật lao động áp dụng đầu năm 2021, khi bạn nhận được một vị trí đa phần sẽ được ký thử việc từ 01 – 02 tháng. Ngoại trừ một số vị trí việc làm mang tính ngắn hạn như thay thế cho nhân sự cũ tạm thời không thể tiếp tục công việc vì các lí do đau ốm, nghỉ thai sản,…

Với các nhân sự được định hướng tuyển dụng cho các vị trí làm việc lâu dài sẽ có 01 – 02 tháng làm quen với công việc và xem liệu công việc bạn lựa chọn có phù hợp với chính bạn hay không. Quá trình này thường được kết thúc bằng một đánh giá thử việc và nếu đạt được các kết quả tốt sẽ được nhận vào làm nhân viên chính thức.

Khi vào làm chính thức thông thường mốc thời gian ký kết hợp đồng đầu tiên ở hầu hết các doanh nghiệp là hợp đồng xác định thời hạn 12 tháng. Tiếp theo đó khi hợp đồng này của bạn gần hết thời gian hiệu lực, người sử dụng lao động có thể sẽ cân nhắc ký thêm một hợp đồng xác định thời hạn nữa, hoặc thậm chí cung cấp cho bạn một hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Ở khía cạnh hợp đồng lao động luật pháp quy định rất rõ và các bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu được từ nhiều nguồn khác nhau.

Các mốc thời gian đáng lưu ý

Mối quan tâm ở đây chính là thời gian

Bạn hãy thử tưởng tượng đưa vào trong CV một thời gian làm việc cho một doanh nghiệp là 02 tháng (ở đây đề cập đến làm việc, không phải thử việc hay học việc, cũng không phải làm thời vụ). Ý tưởng đầu tiên mà nhà tuyển dụng sẽ nghĩ đến là: Bạn chưa tìm hiểu công việc kỹ trước khi ứng tuyển nên sau khi hết thử việc bạn không tiếp tục nữa.

Suy nghĩ thứ hai thậm chí còn tiêu cực hơn là.. bạn không qua được thử việc. Thật sự đó là một trong số ít những xác suất có thể xảy ra trong bất cứ sự phán đoán nào từ nhà tuyển dụng. Do đó mốc thời gian dưới 2 tháng cho một CV thường không được đánh giá tích cực lắm.

Khi các bạn qua được thử việc và vào làm việc chính thức, mốc thời gian nên lưu ý tiếp theo sẽ là 6 tháng chính thức.

Thông thường tại một vị trí, bạn sẽ mất ít nhất 6 tháng để có thể hoàn toàn nắm được toàn bộ công việc cũng như các mối quan hệ liên quan đến công việc đó. Thậm chí một số vị trí mang tính quản lý cấp cao hoặc đòi hỏi sự chuyên môn hóa và bao quát lớn với nhiều nghiệp vụ phức tạp, thời gian để có thể thành thạo với một công việc đôi khi còn dài hơn.

Trong giai đoạn này, đa số các nhân sự được tuyển chọn vẫn chưa cảm thấy công việc trở đi lặp lại hoặc quen thuộc đến mức chán với các nghiệp vụ thực hiện hàng ngày. Đặc biệt là các vị trí hoặc các công ty có dự án thường xuyên được làm mới, phát triển. Khoảng thời gian này sẽ là thời gian bạn học được nhiều nhất về mặt kỹ năng và chuyên môn.

Sau mốc thời gian 6 tháng này, khi bạn đã quen thuộc với công việc, thông thường các ý tưởng liên quan đến cải tiến trong công việc hoặc rút gọn các thao tác, đề xuất các ý tưởng sẽ được diễn ra.

Sẽ rất khó cho bạn khi vừa vào một doanh nghiệp, chưa hiểu rõ về doanh nghiệp cũng như vị trí công việc của mình lại có thể đưa ra các sáng kiến và thông thường nếu có thì các sáng kiến này đa số cũng thiếu tính thực tiễn và mang nặng kinh nghiệm cá nhân của bạn học được từ các doanh nghiệp trước.

Cải tiến là một yếu tố mang tính then chốt của hầu hết mọi lĩnh vực, mà đôi khi một số doanh nghiệp có thể dùng các câu như “hôm nay tốt hơn hôm qua”, “rút ngắn thời gian …”,… Với những gì đã hiểu về doanh nghiệp và công việc, thời gian từ khi ký hợp đồng chính thức được tầm 6 tháng đến 12 tháng chính là khoảng thời gian tuyệt vời cho việc phát triển các sáng kiến của bạn.

Một số bạn sẽ cho rằng cải tiến thì mang tính liên tục nên không chỉ dừng lại tới mốc 12 tháng. Nhưng khi các doanh nghiệp lập nên các chiến lược kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn thì sau khi thực hiện cải tiến ở mức độ toàn công ty, lãnh đạo các công ty sẽ cần thời gian để theo dõi việc cải tiến đó ảnh hưởng kết quả như thế nào, liệu có tạo ra kết quả đáng mong đợi hay cần có sự điều chỉnh tiếp tục.

Do đó dường như mọi sự cải tiến đều sẽ có một khoảng thời gian chững lại để theo dõi kết quả trước khi lựa chọn tiếp tục bám sát vào các mục tiêu cải tiến đề ra hay lựa chọn một phương hướng mới. Ngoài ra các bạn cũng sẽ khó mà lúc nào cũng có thể đưa ra ý tưởng mới, khi mà những ý tưởng cho cùng một mục đích công việc trước đây còn chưa được kiểm nghiệm là có khả thi hay không.

Và đến đây một mốc quan trọng đó là thời gian làm việc của bạn từ 13 – 14 tháng (Ở đây bao gòm 1 – 2 tháng thử việc và 12 tháng của hợp đồng lao động có thời hạn). Nếu thời gian làm việc cho một công ty của bạn trong CV dài hơn 14 tháng, mà lí tưởng tầm 20 tháng đến 24 tháng. Con số này sẽ khá tuyệt vời.

Nó cho thấy bạn đã hoàn toàn nắm được công việc tại một công ty và phát triển cùng công ty đó. Việc lựa chọn thời gian dài hơn 14 tháng còn cho thấy bạn đã được công ty ghi nhận những kết quả công việc và được công ty mong muốn tiếp tục cống hiến bằng một hợp đồng lao động mới.

Khoảng thời gian lý tưởng

Tại sao mốc thời gian 24 tháng là lí tưởng.

Nếu sau 2 năm làm việc nhưng công việc của bạn không có một sự thay đổi về cả nghiệp vụ, chức vụ, không được tham dự vào các dự án mới, hoặc một vai trò mới. Nó thể hiện rõ ở việc bạn không còn gì mới mẻ để cập nhật vào CV nữa, khi đó bạn nên nghiêm túc để xem xét lại sự nghiệp tương lai của mình

Một số trường hợp các doanh nghiệp phát triển tốt hoặc được bảo hộ, tạo ra một bẫy an toàn ổn định khiến nhiều bạn làm việc một thời gian rất dài nhưng hầu như không còn học được thêm một điểm gì mới. Điều này trở nên rất nghiêm trọng vì có khả năng bạn sẽ bị tụt hậu trên thị trường lao động trong tương lai.

Các bạn không cần nghỉ việc đi tìm một công việc mới nếu thực sự công việc hiện tại của bạn rất ổn về phương diện cá nhân của bạn. Nhưng bạn hãy tự tạo cơ hội cho chính mình bằng cách tự học thêm một số kỹ năng kiến thức mới, tìm hiểu thêm các thông tin liên quan công việc hoặc sự nghiệp mà bạn mong đợi, cũng như không ngừng nâng cấp thêm các kiến thức bắt kịp với thời đại. Khi đó bạn mới không thực sự bị tụt hậu.

Và quan trọng nhất, hãy để cho nhà tuyển dụng biết được bạn luôn nỗ lực học hỏi nâng cấp bản thân.