Cách chọn người tham khảo trong CV rất quan trọng. Chọn sai có thể khiến họ chẳng cung cấp được thông tin nào có ích về bạn.
Đó có thể là cấp trên, đồng nghiệp, thậm chí là cấp dưới của bạn. Với sự phong phú về đối tượng bạn đã từng tiếp xúc để lấy thông tin tham khảo, đâu sẽ là các lựa chọn phù hợp.
Thực sự khi lựa chọn một trong ba đối tượng phổ biến kể trên để đưa vào thông tin mục người tham khảo trong CV, chúng ta sẽ luôn có những mặt ưu và nhược điểm riêng. Sẽ không có một lựa chọn nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người.
Người kham khảo là cấp trên
Cấp trên nếu có khả năng đưa ra những góp ý cho công việc trước đây của bạn sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.
Là một người từng trực tiếp quản lý bạn, hiểu về kết quả công việc của bạn, rõ ràng những thành tựu bạn đạt được nếu được cấp trên xác nhận sẽ thêm phần củng cố chắc chắn. Ngoài ra việc một ứng viên được cấp trên đánh giá trong điều tra bối cảnh sẽ có tính tin cậy khá cao.
Tuy nhiên một mặt trái của việc lựa chọn cấp trên làm người tham khảo chính là bạn không thể nào hiểu hết được suy nghĩ và nhận định của cấp trên về cá nhân mình.
Dù môi trường doanh nghiệp cởi mở và sòng phẳng đến mấy thì giữa nhân viên và quản lý trực tiếp luôn có những khoảng cách nhất định. Và đôi khi cấp trên cũng không thực sự hiểu được hết về bạn ngoại trừ các con số kết quả công việc.
Lựa chọn cấp trên làm người tham khảo là hoàn hảo khi nhà tuyển dụng muốn tham khảo các con số, dữ liệu, kết quả công việc cụ thể. Các yếu tố vô hình khác như cá tính, sự phối hợp,… sẽ rất không cho một nhận định chính xác trừ phi cấp trên của ứng viên đó thực sự có tâm và quan tâm phát triển đội nhóm của mình.
Người tham khảo là đồng nghiệp
Lựa chọn đồng nghiệp làm người tham khảo cũng là một phương án không tồi.
Có thể trong một phòng ban mỗi người sẽ đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau. Không hẳn các đồng nghiệp sẽ hoàn toàn hiểu hết được các công việc và kết quả mà bạn đã làm được. Do đó tham khảo thông tin về thành tích với những người tham khảo là đồng nghiệp của ứng viên chưa hẳn đã nhận được những phản hồi chất lượng.
Tuy nhiên ở khía cạnh về sự phối hợp, chia sẻ thông tin cũng như các tiêu chí liên quan đội nhóm mà nhà tuyển dụng muốn điều tra, đồng nghiệp sẽ là một trong những kênh đặc biệt hiệu quả.
Trong nội bộ doanh nghiệp, ắt hẳn đồng nghiệp sẽ là đối tượng mà bạn thường xuyên tương tác nhất. Việc kiểm tra các thông tin về con người, tính cách từ đồng nghiệp đa phần sẽ mang lại hiệu quả khá cao so với các đối tượng khác.
Người tham khảo là cấp dưới
Nếu ứng viên là một người từng đảm nhiệm vị trí quản lý, một kênh thứ ba có thể tham khảo nữa sẽ chính là “cấp dưới”.
Khác với hai đối tượng nêu trên, cấp dưới sẽ không thể nào cung cấp cho nhà tuyển dụng các thông tin về thành tựu, kết quả công việc của ứng viên, hay khả năng phối hợp của ứng viên với các đồng nghiệp khác. Điều mà một người có thể cung cấp thông tin về cấp trên của mình chính là phong thái lãnh đạo, năng lực quản trị, định hướng và phân chia công việc cho các thành viên bên dưới.
Đặc biệt với các ứng viên ứng tuyển vào các vị trí quản lý, tham khảo thông tin từ cấp dưới ở đơn vị cũ sẽ đóng một vai trò khá quan trọng. Có thể bạn là một nhân viên giỏi nhưng chưa chắc là một nhà quản lý giỏi.
Thành tích được tạo dựng nên trong kết quả công việc của các nhà quản lý không chỉ nằm ở khía cạnh cá nhân, mà còn ở việc nhà quản lý đó dẫn dắt và tận dụng sức mạnh của các thành viên như thế nào để đạt được kết quả cuối cùng.
Không có vai trò hoàn hảo
Không có một vai trò nào hoàn hảo cho việc nhận định một người tham khảo như thế nào là đáng tin cậy.
Do đó để điều tra về bối cảnh ứng viên, các nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn thông thường cả ba đối tượng nêu trên nếu được bạn đồng ý. Và các bạn nếu là ứng viên đang tìm việc làm, hãy cố gắng định hướng tìm ra cho mình những người tham khảo phù hợp nhất.