Ứng tuyển công ty nước ngoài hay trong nước

Làm việc cho công ty trong nước hay công ty nước ngoài? Tìm hiểu một chút về doanh nghiệp mà bạn đang ứng tuyển hoặc được gọi đi tham gia phỏng vấn khá quan trọng. Nó có thể giúp bạn mường tượng hoặc định hình được phần nào về một vài đặc tính cơ bản của doanh nghiệp đó.

Hiện tại có rất nhiều loại hình doanh nghiệp theo quy định của luật pháp Việt Nam, tuy nhiên dưới góc nhìn của một người làm nhân sự, sẽ chỉ phân thành một số nhóm nhỏ chứa những nét cơ bản nhất.

Đầu tiên xét về vốn doanh nghiệp có thể xem đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hay công ty nội địa. Chủ doanh nghiệp chính là một trong các tiêu chí cơ bản giúp bạn có được sự phân biệt này.

Các doanh nghiệp FDI sẽ có vốn đầu tư bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, và đa phần là các doanh nghiệp về sản xuất. Sở dĩ các công ty sản xuất nước ngoài thích đầu tư vào Việt Nam phần nhiều đến từ chi phí nhân công.

Có thể nói nếu so sánh sản xuất ở nước sở tại và Việt Nam thì đa phần, chi phí bỏ ra cho mỗi giờ làm việc của công nhân sẽ tiết kiệm hơn khi chọn Việt Nam. Đa phần, so với các doanh nghiệp trong nước thì mức tiền lương ở cùng vị trí của các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn. Và tất nhiên không phải vị trí nào cũng sẽ yêu cầu quá cao về ngoại ngữ.

Công nghệ là một trong những yếu tố cần cân nhắc khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì một số doanh nghiệp có thể sẽ mang những công nghệ mới tiên tiến vào trong lãnh thổ Việt Nam nên có nhiều khả năng, các vị trí chuyên viên, kỹ thuật sẽ cần những khóa đào tạo trước khi thực hiện tốt công việc. Điều này giúp cho các bạn tiếp cận được với những cách thức làm việc và công nghệ mới so với trong nước.

Tuy nhiên nó đặt ra một vấn đề về ngoại ngữ. Vì đa phần các doanh nghiệp nếu vừa đầu tư vào Việt Nam sẽ khó có thể dịch toàn bộ các SOP, tiêu chuẩn công việc thành tiếng Việt được.

Do đó ngoại ngữ sẽ có một vai trò quan trọng trong việc xác định được rằng bạn có phù hợp và theo kịp với các khóa đào tạo hay không. Ngoại ngữ và văn hóa sẽ là hai vấn đề mà các ứng viên nên chuẩn bị tinh thần đối với các doanh nghiệp FDI mới.

Điều này có thể không chính xác nếu doanh nghiệp bạn ứng tuyển đã có lịch sử lâu đời đầu tư hoạt động tại Việt Nam. Sau nhiều lần thay đổi và điều chỉnh phù hợp giữa các quy trình và văn hóa, các doanh nghiệp FDI có thể làm giảm đi sự khác biệt này. Ngoài ra họ có thể sử dụng các kỹ sư, kỹ thuật viên của “thế hệ đầu tiên” để hướng dẫn lại công việc cho các thế hệ tiếp theo.

Mức độ am hiểu thị trường lao động giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cũng là một trong các điểm mà tôi nêu lên, bởi thực sự rất khó để có thể hiểu được hoàn toàn về thị trường lao động Việt Nam, thậm chí cả với người bản xứ.

Với sự trải dài về mặt địa lý, tính đa dạng vùng miền, cũng như sự phân bổ lao động không đồng đều sẽ khiến không ít các nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu và hoạt động.

Những điều mà các bạn nghĩ rằng có thể xảy ra hoặc cho là đúng tại các doanh nghiệp lâu đời tại Việt Nam có thể sẽ trở nên rất khác hoặc không theo quy tắc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó bạn cần nhận được khá nhiều thông tin và chia sẻ từ những người làm nhân sự để hiểu rõ hơn về các đặc điểm và tránh được tình trạng sốc văn hóa.

Quy trình làm việc cũng là một trong các điểm có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp. Nhìn chung không phân biệt doanh nghiệp “Tây” hay “Ta”, thâm niên và quy mô của doanh nghiệp trong ngành càng lớn thì quy trình sẽ càng hoàn thiện và ít sơ hở.

Một nguyên nhân là do kinh nghiệm được chồng lên nhiều lớp từ những người làm này đến những người khác bổ sung, sửa đổi, hiệu chỉnh… Thời gian càng dài mức độ cô đọng về mặt kiến thức càng sâu.

Tuy nhiên vì hiện tại các doanh nghiệp nước ngoài đang tiến hành toàn cầu hóa và để làm được điều này đòi hỏi một lượng vốn khá lớn cùng phương thức quản trị mới trên nhiều quốc gia, do đó nhìn chung các hệ thống hoặc quy trình làm việc sẵn có của họ là khá tốt, đặc biệt là các tài liệu kỹ thuật.

Việc làm đúng theo quy trình đảm bảo được các hạn chế và sai sót về mặt kỹ thuật có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động và kết quả kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên hãy cẩn trọng với các quy trình làm việc mang tính nội bộ (quốc nội). Đó là hệ thống các văn bản pháp luật đặc thù của  Việt Nam tương tác đến khá nhiều hoạt động của các bộ phận như Nhân sự, Kế Toán, Pháp chế.

Ở các bộ phận này Quy trình làm việc không hẳn sẽ hoàn toàn chuẩn chỉnh mà phụ thuộc rất nhiều vào người làm và hiệu chỉnh chúng cho phù hợp với Quốc gia.