Một CV ngành thiết kế hoặc các ngành có liên quan hình ảnh sẽ có một chút nâng cao so với các CV cơ bản.
Giao diện, ngoại quan của một CV thông thường mang tính trang trọng, hạn chế màu sắc hình ảnh và nhấn mạnh về bố cục, nội dung công việc, ít quan tâm thẩm mỹ và trình bày. Tuy nhiên CV ngành thiết kế sẽ không chỉ dùng câu chữ để mô tả còn có thêm một số yếu tố khác.
Các công việc liên quan đến hình ảnh, một số vị trí tuyển dụng như Thiết kế đồ họa, Thiết kế, Mỹ thuật, Cảnh quan, Nội thất,.. Nhìn chung các vị trí này bạn không thể hiện được những gì mình đã làm hay sáng tạo ra bằng CV thông thường được, mà bên cạnh đó cần thể hiện rất nhiều “bằng chứng” cho những gì bạn đã thực hiện.
Các bằng chứng này đôi khi sẽ quyết định được phần lớn kết quả tuyển dụng bởi rất nhiều lí do.
Thể hiện tính thẩm mỹ
Tác phẩm sẽ thể hiện một phần các kỹ năng thực hành công việc của bạn và tính thẩm mỹ.
Thực sự quá trình sàng lọc hồ sơ và phỏng vấn luôn chứa đựng khá nhiều những rủi ro về việc chọn được ứng viên phù hợp. Một phần là khoảng cách giữa những gì các bạn thể hiện trong CV và giữa buổi phỏng vấn đôi khi lại không được thể hiện hết trong công việc hàng ngày sau khi đã nhận việc.
Đôi khi khoảng thời gian ngắn để phỏng vấn và tìm hiểu không thể bao quát trọn vẹn các tình huống công việc được, đặc biệt các công việc liên quan hình ảnh, sáng tạo.
Do đó với các ngành mang tính sáng tạo thẩm mỹ, một tác phẩm sẽ nói lên rằng bạn đã làm công việc đó ra sao và tốt như thế nào.
Thể hiện kỹ năng thực hành
Thay vì bạn có vài chục phút nói chuyên với nhà tuyển dụng, bạn có cả một thời gian dài để thể hiện khả năng của mình vào tác phẩm. Đó là một bằng chứng chân thật và cảm quan nhất về những gì bạn đã làm và có thể duy trì phát huy được nếu vào làm việc tại công ty.
Các phần mềm bạn đã sử dụng để làm nên tác phẩm, các kỹ thuật về sử dụng màu sắc, các logic về sự thiết kế và bố cục,… Hầu như các yếu tố quan trọng về kỹ năng thực hành của bạn sẽ được các tác phẩm thể hiện nên khá rõ.
Thể hiện nội tâm, phong cách cá nhân
Một yếu tố khác nữa là tác phẩm thể hiện những nội tâm bên trong và phong cách thẩm mỹ của bạn.
Bên cạnh các yếu tố về mặt kỹ thuật mà bạn được dạy tại trường lớp hoặc các khóa đào tạo, mỗi cá nhân sẽ có những trải nghiệm riêng, tính cách riêng và gu thẩm mỹ riêng. Tư duy về hình ảnh màu sắc của mỗi cá nhân cũng không hề giống nhau. Do đó cùng tốt nghiệp một trường, một khóa nhưng khó tìm được các tác phẩm nào giống hệt nhau về mặt tư duy và thẩm mỹ.
Các tác phẩm thể hiện nên không chỉ những kỹ thuật của bạn, mà còn là nội tâm, nhân sinh quan và những khuynh hướng thẩm mỹ trong con người bạn. Thông qua việc nghiên cứu các tác phẩm, các nhà tuyển dụng có thể tìm được ứng viên với phong cách phù hợp và đồng thuận với vị trí tuyển dụng.
Đính kèm danh mục tác phẩm vào CV
Do đó nếu bạn đang tìm các công việc liên quan lĩnh vực sáng tạo hình ảnh, ngoại trừ CV thông thường, hãy sưu tầm lại các tác phẩm các bạn đã thực hiện mà bạn cảm thấy ưng ý nhất, cho tất cả vào một thư mục. Bạn cần gửi đính kèm đường dẫn tới thư mục các tác phẩm trong hồ sơ ứng tuyển của bạn.